Vào thập niên 40 của thế kỷ 20, thế giới mới chỉ biết đến máy photocopy dạng ướt. Khi sử dụng loại máy này người ta phải dùng giấy photo đã được phủ một lớp cảm quang, khi in xong vẫn còn ướt và phải đợi đến lúc khô hẳn mới lấy bản photo ra được.
Nhận thức rõ nhược điểm của máy photo dạng ướt, công ty Sê-rốc của Mỹ đã quyết tâm chế tạo ra máy photocopy dạng khô. Sau khi nghiên cứu chế tạo thành công với giá thành 2500 USD cho một sản phẩm, Wilson – người đứng đầu công ty Sê-rốc đã định giá bán ra thị trường là 29.500 USD, một giá cao hơn gấp 10 lần so với giá thành thực tế của sản phẩm. Vì lúc đó máy photo dạng khô đã khắc phục nhược điểm cố hữu của máy photo dạng ướt nên tiếng tăm của sản phẩm mau chóng nổi lên trên thị trường. Tuy nhiên, lúc đó luật pháp không cho phép công ty bán máy với giá cao như vậy. Wilson không hề nao núng mà vẫn rất tự tin. Ông giải thích với giới truyền thông: “Tôi chỉ bán chất lượng và dịch vụ, tôi không bán sản phẩm”.
Trong thời gian triển lãm, máy photo dạng khô đã thể hiện rõ tính ưu việt, đặc biệt tiết kiệm được thời gian cũng như công sức cho người sử dụng. Do vậy, người tiêu dùng đều rất muốn được dùng loại máy mới này.
Bán không được vì giá cao, công ty đã chuyển hướng kinh doanh bằng hình thức cho thuê, cung cấp dịch vụ với giá cao. Khách hàng tới thuê mỗi ngày một đông. Họ cho rằng với giá bán đưa ra thì giá thuê như vậy chấp nhận được. Bởi vì trong sâu xa tiềm thức của họ, giá bán 29.500 USD một chiếc là rất cao.
Thập niên 60 là thập niên hoàng kim của công ty Sê-rốc. Máy photocopy trở nên thịnh hành, được sử dụng rộng rãi ở nhiều ngành. Công ty ra sức sản xuất mà vẫn không đủ máy bán ra thị trường.
Năm 1960, công ty có doanh thu đạt 33 triệu USD, chiếm 15% trên thị trường thế giới. Năm 1965, doanh thu của công ty đạt xấp xỉ 400 triệu USD, chiếm 60% trên thị trường và năm 1966, con số doanh thu đạt tới 530 triệu USD. Sê-rốc trở thành một công ty có tầm cỡ từ đó.
newclip.net