Một người chính trực – Tập đọc 4

Một người chính trựcTập đọc lớp 4. Mục đích bài học yêu cầu đọc lưu loát, trôi chảy toàn bài. Biết đọc chuyện với giọng kể thong thả, rõ ràng. Đọc phân biệt lời nói các nhân vật, thể hiện rõ sự chính trực, ngay thẳng của Tô Hiến Thành.


Tập đọc lớp 4 – Chương trình Học trực tuyến dành cho học sinh lớp 4.

1. Bài đọc:

Một người chính trực

Tô Hiến Thành làm quan triều Lý, nổi tiếng là người chính trực.

Năm 1175, vua Lý Anh Tông mất, di chiếu cho Tô Hiến Thành phò tá thái tử Long Cán, con bà thái hậu họ Đỗ, lên ngôi. Nhưng bà Chiêu Linh thái hậu lại muốn lập con mình là Long Xưởng. Bà cho người đem vàng bạc đút lót vợ Tô Hiến Thành để nhờ ông giúp đỡ. Tô Hiến Thành nhất định không nghe, cứ theo di chiếu lập Long Cán làm vua. Đó là vua Lý Cao Tông.

Phò tá Cao Tông được 4 năm, Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Quan tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ trên giường bệnh. Còn gián nghị đại phu Trần Trung Tá do bận nhiều công việc nên không mấy khi tới thăm Tô Hiến Thành được.

Một hôm, Đỗ thái hậu và vua tới thăm ông, hỏi:

– Nếu chẳng may ông mất thì ai là người sẽ thay ông ?

Tô Hiến Thành không do dự, đáp:

– Có gián nghị đại phu Trần Trung Tá.

Thái hậu ngạc nhiên hỏi:

– Vũ Tán Đường hết lòng vì ông, sao không tiến cử ?

Tô Hiến Thành tâu:

– Nếu Thái Hậu hỏi người hầu hạ giỏi thì thần xin cử Vũ Tán Đường, còn hỏi người tài ba giúp nước, thần xin cử Trần Trung Tá.

Theo QUỲNH CƯ, ĐỖ ĐỨC HÙNG

Chính trực: ngay thẳng

Di chiếu: lệnh (viết) của vua truyền lại trước khi mất.

Thái tử: con trai của vua được chọn để nối ngôi cha.

Thái hậu: mẹ vua

Phò tá: theo bên cạnh để giúp đỡ

Tham tri chính sự: chức quan dưới tể tướng, cùng bàn công việc triều đình với tể tướng.

Gián nghị đại phu: chức quan giữ việc can ngăn vua để vua không làm điều trái.

Tiến cử: giới thiệu người có tài có đức để cấp trên cho lựa chọn.

Video bài giảng: 

 

2. Tìm hiểu bài

Bài văn chia làm 3 đoạn:

– Đoạn 1: Từ đầu … Đó là vua Lý Cao Tông.

– Đoạn 2: Phò tá Cao Tông … tới thăm Tô Hiến Thành được.

– Đoạn 3: Phần còn lại.

Câu 1 (SGK Tiếng Việt 4 trang 37)

Trong việc lập ngôi vua, sự chính trực của ông Tô Hiến Thành thể hiện như thế nào ?

Trả lời

Tô Hiến Thành không nhận vàng bạc đút lót để làm sai di chiếu của vua đã mất. Ông cứ theo di chiếu mà lập thái tử Long Cán lên làm vua.

Xem chi tiết

 

Câu 2 (SGK Tiếng Việt 4 trang 37)

Trong việc tìm người giúp nước, sự chính trực của ông Tô Hiến Thành thể hiện như thế nào ?

Trả lời

Sự chính trực của Tô Hiến Thành trong việc tìm người giúp nước là ông cử người có tài chứ không cử người hầu hạ mình

Xem chi tiết

 


Câu 3 (SGK Tiếng Việt 4 trang 37)

Vì sao nhân dân ca ngợi những người chính trực như ông Tô Hiến Thành ?

Trả lời

Vì những người chính trực bao giờ cũng đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích riêng. Họ làm được nhiều điều tốt cho dân, cho nước…

Xem chi tiết

 

Nội dung:

Ca ngợi sự chính trực, thanh liêm, tấm lòng vì dân vì nước của Tô Hiến Thành – vị quan nổi tiếng cương trực thời xưa.

Tập đọc 4

Bài tiếp theo: Tre Việt Nam


Ads

Để lại một bình luận

© 2024 Yoga Newclip - Theme by WPEnjoy