Luyện tập phát triển câu chuyện trang 82 – Tiếng Việt 4
Luyện tập phát triển câu chuyện trang 82 – Tập làm văn lớp 4. Mục đích bài học củng cố kĩ năng phát triển câu chuyện, sắp xếp các đoạn văn kể chuyện theo trình tự thời gian. Viết câu mở đoạn để liên kết các đoạn văn theo trình tự thời gian.
Tập làm văn lớp 4 – Chương trình Học trực tuyến dành cho học sinh lớp 4.
Câu 1 (SGK Tiếng Việt 4 trang 82)
Dựa theo cốt truyện Vào nghề, hãy viết lại câu mở đầu cho từng đoạn văn (đã cho ở tiết tập làm văn, tuần 7).
Bài làm
Đoạn 1:
– Mở đầu: Vào một ngày đẹp trời, năm cô bé Va-li-a lên mười tuổi, được bố mẹ đưa đi xem xiếc.
Đoạn 2:
– Mở đầu: Rồi một hôm, rạp xiếc thông báo cần tuyển diễn viên Va-li-a xin bố mẹ cho ghi tên học nghề.
Đoạn 3:
– Mở đầu: Thế là những ngày tiếp đó, ngày nào Va-li-a cũng đều đặn đến làm việc trong chuồng ngựa.
Đoạn 4:
– Mở đầu: Thời gian trôi qua. Chẳng mấy chốc cũng đến ngày Va-li-a trở thành một diễn viên thực thụ.
Video bài giảng “Luyện tập phát triển câu chuyện trang 82”:
Đoạn văn hoàn chỉnh
Đoạn 1:
– Mở đầu: Vào một ngày đẹp trời, năm cô bé Va-li-a lên mười tuổi, được bố mẹ đưa đi xem xiếc.
– Diễn biến: Chương trình biểu diễn hôm ấy có nhiều tiết mục độc đáo, mới lạ nhưng Va-li-a thích nhất tiết mục “Cô gái phi ngựa, đánh đàn”. Cô diễn viên xinh đẹp đứng trên yên ngựa, tay cầm đàn gãy lên những bản nhạc rộn rã, khiến cô bé vô cùng ngưỡng mộ.
– Kết thúc: Từ đó, lúc nào trong trí óc non nớt của Va-li-a cũng hiện lên hình ảnh cô diễn viên phi ngựa, đánh đàn. Em mơ ước một ngày nào đó cũng được như cô – phi ngựa và chơi những bản nhạc rộn rã.
Đoạn 2:
– Mở đầu: Rồi một hôm, rạp xiếc thông báo cần tuyển diễn viên Va-li-a xin bố mẹ cho ghi tên học nghề.
– Diễn biến: Sáng hôm ấy, em đến gặp bác giám đốc rạp xiếc. Bác dẫn em đến chuồng ngựa. Ở đó có một chú ngựa bạch tuyệt đẹp. Bác chỉ con ngựa và bảo : “Công việc của cháu bây giờ là chăm sóc chú ngựa bạch này, cho ngựa ăn uống và quét dọn chuồng ngựa thật sạch sẽ”. Va-li-a rất ngạc nhiên vì diễn viên xiếc mà phải đi quét chuồng ngựa. Nhưng em vẫn cầm lấy chổi.
– Kết thúc: Bác giám đốc gật đầu cười bảo em: “Công việc của diễn viên phi ngựa, đánh đàn bắt đầu như thế đấy cháu ạ. Cái tháp cao nào cũng phải bắt. đầu xây từ mặt đất lên.”
Đoạn 3:
– Mở đầu: Thế là những ngày tiếp đó, ngày nào Va-li-a cũng đều đặn đến làm việc trong chuồng ngựa.
– Diễn biến: Những ngày đầu, Va-li-a rất bỡ ngỡ. Có lúc em nản chí. Nhưng cứ nhớ đến hình ảnh cô diễn viên phi ngựa, em lại thấy phấn chấn lên.
– Kết thúc: Cuối cùng, em quen việc và trở nên thân thiết với chú ngựa, bạn diễn tương lai của em.
Đoạn 4:
– Mở đầu: Thời gian trôi qua. Chẳng mấy chốc cũng đến ngày Va-li-a trở thành một diễn viên thực thụ.
– Diễn biến: Cứ mỗi lần Va-li-a bước ra sàn diễn, những tràng vỗ tay nồng nhiệt lại vang lên. Chỉ trong nháy mắt, cô đã đứng trên lưng ngựa,tay ôm cây đàn vĩ cầm. Rồi tiếng đàn cất lên. Vẻ thán phục lộ rõ trên gương mặt từng khán giả.
– Kết thúc: Va-li-a kết thúc tiết mục của mình với gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Thế là ước mơ thuở nhỏ của Va-li-a đã trở thành sự thật.
Câu 2 (SGK Tiếng Việt 4 trang 82)
Đọc lại toàn bộ các đoạn văn trong truyện Vào nghề mà em vừa hoàn chỉnh và cho biết:
a) Các đoạn văn được sắp xếp theo trình tự nào ?
b) Các câu mở đầu đoạn văn đóng vai trò gì trong việc thể hiện trình tự ấy ?
Bài làm
a. Trình tự sắp xếp các đoạn văn:
Sắp xếp theo trình tự thời gian (sự việc xảy ra trước kể trước, sự việc xảy ra sau kể sau)
b. Vai trò của các câu mở đầu đoạn văn:
Các câu mở đoạn giúp nối đoạn văn trước với đoạn văn sau bằng các cụm từ chỉ thời gian.
Câu 3 (SGK Tiếng Việt 4 trang 82)
Kể lại một câu chuyện em đã học (qua các bài tập đọc, kể chuyện, tập làm văn), trong đó các sự việc được sắp xếp theo trình tự thời gian.
Gợi ý:
Các em có thể chọn kể một câu chuyện đã học qua các bài Tập đọc trong sách Tiếng Việt (Ông Mạnh thắng Thần Gió, Dế Mèn bênh vực kẻ yếu, Người ăn xin, Một người chính trực, Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca,…). Qua các bài Kể chuyện (Sự tích hồ Ba Bể, Một nhà thơ chân chính, Lời ước dưới trăng,…)….
Để kể được câu chuyện hay các em cần chú ý:
– Truyện kể đúng nội dung, yêu cầu của đề bài, sắp xếp câu chuyện đúng trình tự thời gian.
– Biết dùng các từ ngữ hay, giàu hình ảnh để diễn đạt câu chuyện.
– Không mắc lỗi dùng từ, lỗi đặt câu.
– Biết sử dụng ngữ điệu kể phù hợp với nội dung câu chuyện.